Tốt nghiệp THPT 2014: Bộ GD-ĐT "bật mí" cấu trúc đề thi ngoại ngữ, ngữ văn
Chủ trương đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 dựa trên định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực của học sinh.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD- ĐT, đề thi nhằm đánh giá kiến thức phổ thông, nội dung trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Cấu trúc đề thi sẽ có một số điều chỉnh theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đã được ban hành.
Về môn ngoại ngữ, ông Trinh cho biết, năm nay ngoài phần trắc nghiệm còn có thêm viết luận. Theo đó, về thời gian làm bài và mức điểm cho từng phần, Bộ đang xem xét và đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, giáo viên ngoại ngữ để xác định tỷ lệ giữa phần viết và trắc nghiệm nhằm đánh giá thực chất hơn năng lực ngoại ngữ của học sinh, phù hợp với điều kiện dạy học ngoại ngữ. Quyết định sẽ được đưa ra trước khi ban đề thi làm việc.
“Chủ trương đổi mới này cũng được đề xuất trên cơ sở thực tiễn dạy học môn Ngữ văn trong các nhà trường, kế thừa những ưu điểm của hình thức thức ra câu hỏi định dạng theo đánh giá PISA đã được triển khai thành công ở nhiều trường THPT nước ta (thực tế cho thấy học sinh thích ứng nhanh với dạng câu hỏi này và đã đạt kết quả khá cao); dạng câu hỏi mở cũng đã được sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong mấy năm gần đây”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo như những bàn thảo ban đầu, chắc chắn tỷ lệ hai phần sẽ không tương đương nhau mà trắc nghiệm vẫn chiếm phần căn bản trong đề thi. Điều này là do việc thay đổi cách thức thi môn ngoại ngữ mới chỉ bắt đầu được thực hiện từ năm nay, viết luận cũng là phần khó hơn (trong khi thời gian làm bài vẫn chỉ 60 phút) nên sẽ chiếm tỷ lệ vừa phải trong đề thi. Đây là kỳ thi tốt nghiệp nên yêu cầu chính đặt ra là để kiểm tra kiến thức cơ bản mà học sinh đã được học.
Về môn ngữ văn, theo ông Trinh sẽ có 2 phần đọc hiểu và làm văn. Học sinh cần quan tâm đến các câu hỏi yêu cầu sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, vốn sống và hiểu biết xã hội để trả lời chứ không phải máy móc theo khuôn mẫu có sẵn.
Với cách ra đề mới, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT học sinh cần quan tâm đến các câu hỏi yêu cầu sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, vốn sống và hiểu biết xã hội để trả lời chứ không phải máy móc theo khuôn mẫu có sẵn.
Dựa trên chủ trương thay đổi này của Bộ, bà Phạm Thị Thu Hiền, chuyên viên Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, đã đưa ra một đề xuất về cách thức ra đề môn ngữ văn theo cách thức mới. Theo đó, phần đọc hiểu và làm văn sẽ có điểm số tương đương nhau (50 - 50).
Phần đọc hiểu (5 điểm), theo đề xuất của bà Hiền, sẽ đưa ra một số văn bản ngắn có thể lấy từ những nguồn khác nhau như sách báo, internet…, ngoài chương trình sách giáo khoa. Hoặc một văn bản văn học không có trong chương trình, sách giáo khoa nhưng cùng chủ đề hoặc đề tài và thể loại với các văn bản đã học.
Các văn bản này phải phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh. Đề thi sẽ xây dựng bộ câu hỏi gồm 5 loại câu hỏi với nhiều câu hỏi nhỏ, trong đó hạn chế các câu hỏi nhận biết, tăng cường các câu hỏi thông hiểu và vận dụng. Đề thi yêu cầu học sinh tìm kiếm thông tin từ văn bản, tích hợp và suy luận thông tin đã đọc, phản ánh và đánh giá, tìm hiểu văn bản và liên hệ với kinh nghiệm bản thân. Mục đích của phần thi này là kiểm tra kỹ năng đọc các loại văn bản khác nhau.
Phần làm văn (5 điểm), bà Hiền cũng đưa ra 2 phương án ra đề thi khác nhau. Phương án 1 chỉ yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội. Đây là dạng đề tự luận, theo hướng mở, tích hợp liên môn nhằm kiểm tra vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, khả năng giải quyết vấn đề của học sinh. Theo bà Hiền, phương án này phù hợp với đề thi tốt nghiệp THPT vì có thể học sinh sau khi tốt nghiệp không thi tuyển sinh ĐH, CĐ hoặc lựa chọn các ngành nghề liên quan đến văn học.
Phương án 2 sẽ gồm 2 câu: một câu yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội, một câu là bài văn nghị luận văn học. Học sinh chỉ lựa chọn một trong 2 câu để làm bài.
H.M (tổng hợp)