Từ sân bay vào trung tâm thành phố khoảng 50 km, xe ô tô chạy hết nửa giờ. Xe ô tô thường là loại đắt tiền, sang trọng nhưng có điều lạ là nhiều chiếc bị móp đầu, đuôi hay thân xe. Đang đi bỗng thấy mấy chiếc xe vượt qua dải phân cách rộng chừng hơn một mét để sang bên kia là đường ngược chiều. Anh lái xe cho biết khi thấy mọi người ngạc nhiên rằng ở đây nếu không đi như vậy thì không thể đi được. Quả thật, trên đường đi nhiều xe ô tô luôn lấn đường để vượt hay rẽ sang hướng mà họ muốn. Xe bị móp không quan trọng, họ sẽ đổi xe khác vì sẵn tiền. Chỉ có đàn ông lái xe ô tô, phụ nữ ở nước này không được phép lái xe.
Ở Ả-rập Xê-út lúc nào cũng nhộn nhịp nhưng trên các tuyến đường, phố của Thủ đô không thấy bóng dáng một quán karaoke hay massage nào vì những hoạt động đó bị nghiêm cấm ở các nước Hồi giáo nói chung, nhất là ở Ả-rập Xê-út. Tháp Al Faisaliah nổi tiếng cao nhất Thủ đô Riyadh với độ cao 300m. Từ trên đỉnh tháp vào ban đêm nhìn Riyadh lấp lánh như sao sa. Ả-rập Xê-út có nhiều siêu thị và trung tâm thương mại mà họ thường gọi là “mall”, như: Haluwanni, Al Jazeera, Sahan, Tamimi, Euromarche,..tất cả đều rất lớn. Ả-rập Xê-út là một trong những nước có diện tích bán lẻ trên đầu người lớn nhất thế giới. Mỗi trung tâm thương mại đều tập trung vào một mặt hàng nào đó và có một siêu thị bán thực phẩm. Ở Riyadh cũng có đủ cả nhà hàng fast food như: KFC, Mc.Donald, Pizza Hut; có những nhà hàng của các nước Ả-rập, Italia, Pháp và nhiều nhà hàng Trung Quốc. Các tiếp viên trong nhà hàng đều là nam giới vì phụ nữ không được làm những việc liên quan đến giao tiếp. Phụ nữ ra ngoài đường cũng không nhiều, khi ra đường phải choàng khăn và trùm kín mặt. Người phụ nữ không được làm chủ cuộc sống của chính họ, ước mơ giản dị về một đám cưới với người đàn ông mình yêu khó có thể trở thành sự thực tại một đất nước có cả một hệ thống giáo lý Hồi giáo cũng như giám hộ phức tạp. Mỗi phụ nữ đều phải có một người giám hộ là nam giới. Những người cha không chỉ là trụ cột trong gia đình mà còn là người giám hộ của con gái họ cho tới khi chúng kết hôn. Vai trò này trong từng trường hợp cụ thể có thể được gánh vác bởi những người chú bác, anh em và thậm chí cả những đứa con trai trong cùng gia đình. Theo truyền thống, phụ nữ Ảrập Xêút không được làm việc, đi lại, học hành, cưới xin hoặc thậm chí là tham gia vào một số loại hình chăm sóc sức khỏe nhất định, nếu không có sự cho phép của người giám hộ,...
Đoàn được bạn đưa đến thăm gia đình Tiến sĩ Zeid Aldakkan ở một khu nhà mới được xây dựng theo quy hoạch rất to đẹp và tiện nghi trên đường ra sân bay. Cả gia đình và những người tiễn đoàn đều hồ hởi tiếp đoàn, mời mọi người uống trà có hương vị bạc hà rất lạ hoặc cà phê Abrica, ăn quả chà là hoặc các loại bánh do chính gia đình làm, đặc biệt là ngửi hương trầm chỉ có ở xứ này. Không một phụ nữ nào dù là trẻ con được tiếp xúc với khách khác giới. Trong đoàn có hai phụ nữ may mắn được chủ nhà cho gặp riêng vợ và con gái ông ở một phòng riêng nhưng phải chờ tất cả đàn ông không phải là thành viên trong gia đình ra khỏi nhà.
Gia đình cũng là vấn đề đáng quan tâm. Thường mỗi gia đình có hơn mười người con, Chính phủ rất khuyến khích sinh đẻ vì Ả-rập Xê-út có diện tích lãnh thổ rất rộng trong khi dân số lại ít. Nếu người đàn ông nào có 3-4 vợ thì gia đình đó phải có vài chục người con. Kinh Thánh khuyến khích, kêu gọi mọi người sống thế nào, hướng dẫn cách sống trong gia đình hay trong xã hội để trở thành con người hoàn thiện. Trong mối quan hệ huyết thống, việc tin vào mỗi thành viên trong gia đình là rất quan trọng, không thể để một người phụ nữ khi sinh mà con không biết mặt cha. Trước thánh Allah, nam nữ như nhau, khác biệt duy nhất khi phụ nữ đang mang thai thì không phải ăn kiêng trong tháng Ramadan nhưng sau đó phải ăn kiêng bù và có thể cầu nguyện ở nhà. Theo họ, vợ của nhà Tiên tri Mohammad rất giàu có nhưng vẫn cầu nguyện, hiện nay không vì giàu mà không cầu nguyện và việc cầu nguyện có lợi cho sức khỏe vì cúi lên cúi xuống nhiều lần.
Trong những ngày ở thăm, đoàn đã làm việc với một số cơ quan Chính phủ và tổ chức quốc tế. Các quan chức Chính phủ Ả-rập Xê-út hầu hết đều mặc bộ đồ màu trắng, đầu đội khăn kẻ vuông màu hồng đậm truyền thống của người Hồi giáo. Hầu như ai cũng để râu rậm rạp và trông bề ngoài có vẻ nghiêm nghị, nhưng khi đón tiếp khách lại tỏ ra cởi mở, chân tình và trọng thị. Ở những nơi đoàn đến, bạn đều nói rằng: Nhân dân và Chính phủ Ả-rập Xê-út được biết Việt Nam là một quốc gia giàu truyền thống lịch sử, văn hóa; khâm phục và ngưỡng mộ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến giành độc lập, năng động trong kinh tế và rất coi trọng mối quan hệ giữa hai bên; đồng thời mong muốn được đầu tư vào Việt Nam.
Trong buổi tiếp đoàn, Tiến sĩ Abdulaziz S.Binsalamah, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin cho biết Bộ có 23 – 25 kênh truyền hình đến nhiều nước trên thế giới, được giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động truyền thông trong Hồi giáo theo tinh thần tôn trọng các nguyên tắc Hồi giáo nhưng vẫn phù hợp với thế giới. Hầu hết người dân Ả-rập Xê-út theo Hồi giáo, chỉ có một số rất ít không theo nhưng đều tôn trọng nhau. Bộ có trách nhiệm mang hòa bình đến cho mọi người dù theo tôn giáo nào. Quốc Vương ra lệnh phối hợp với các bộ liên quan như Bộ Hồi giáo và Bộ Hành hương hàng năm tạo điều kiện cho khoảng từ 2,5 triệu đến 3 triệu lượt tín đồ trên thế giới đi hành hương Thánh địa Mecca, nếu việc giải quyết visa ở một số nước thuận lợi thì có thể lên đến hơn 3 triệu.Vì vậy, hàng năm người nước ngoài đến du lịch rất nhiều. Thánh địa Mecca có một khối đá, tất cả tín đồ dù ở đâu cũng quỳ lạy hướng về vì tin ở đó có dấu chân của hai người. Trên máy bay của các hãng hàng không thuộc các nước Hồi giáo ở trên màn hình đều có mũi tên chỉ khoảng cách và hướng về Mecca. Đoàn rất muốn đến thăm hai Thánh địa Mecca và Medina nhưng không được. Chính phủ Ả-rập Xê-út quy định chỉ có tín đồ Hồi giáo mới được vào Thánh địa nên ngay cả đoàn cấp cao của các nước khác cũng vậy. Ngoài ra, Bộ còn có nhiệm vụ in Kinh Qu’ran với hàng chục ngôn ngữ khác nhau, tổ chức hội thảo về Kinh Qu’ran, giáo dục và tuyên truyền về tôn giáo, tìm hiểu về nhu cầu của người dân,…Quốc Vương có sáng kiến nghiên cứu và tổ chức diễn đàn, hội nghị quốc tế nhằm đoàn kết trong gia đình, hòa hợp trong tôn giáo.
Đặc trưng của văn hóa Hồi giáo và tín đồ Hồi giáo là tuyệt đối tin vào Thánh Allah. Người Hồi giáo phải làm việc tốt, tùy theo mức độ để được trọng thưởng hay xử phạt. Theo Kinh Qu’ran, điều quan trọng nhất đối với người Hồi giáo là hành vi trong sáng, không phải chỉ cầu nguyện mà còn làm gì có ích để đóng góp cho xã hội. Để trở thành người Hồi giáo tốt phải thể hiện qua các hành vi ứng xử của mỗi người, phải yêu thiên nhiên, môi trường. Hồi giáo nhấn mạnh sự công bằng, đoàn kết, khác với văn hóa phương Tây theo xu hướng vật chất, ít chú ý đến gia đình. Phương thức truyền giáo của đạo Hồi không phải là xâm lược mà bằng các thương gia mang đến tư tưởng và đạo đức cao cả. Thực tế, các quốc gia Hồi giáo và tín đồ Hồi giáo đều tin vì Hồi giáo là phương thức sống. Tin người dân tuân theo người lãnh đạo đất nước vì Quốc Vương là người được lựa chọn. Đạo Hồi cần một người để lãnh đạo chúng tôi, Quốc Vương có thể không phải là người Hồi giáo nhưng khi ra lệnh làm một việc gì ai chống lại là chống lại đạo Hồi. Quốc Vương không thể ra lệnh cấm cầu nguyện, ra lệnh làm việc gì không trái với Kinh Qu’ran và làm việc gì có lợi cho xã hội. Ả-rập Xê-út có Hiến pháp nhưng phải tuân theo Kinh Qu’ran, không được trái.
Tiến sĩ Zeid Aldakkan, Giám đốc phụ trách hội nghị và xuất bản sách, người có nhiều năm nghiên cứu về đạo Hồi nói rằng: Trước khi muốn tìm hiểu về Hồi giáo thì cần hiểu xã hội Ả-rập Xê-út vì văn hóa của đất nước chúng tôi tốt thì sẽ đối xử tốt đối với các bạn và chúng tôi là những người tốt. Ả-rập Xê-út lấy Hồi giáo là quốc đạo, hầu hết người dân theo Hồi giáo, chỉ có những người đến làm thuê theo tôn giáo khác, người dân theo Hồi giáo như người Công giáo theo Tòa thánh Vatican. Chúng tôi tin tưởng tất cả những nhà Tiên tri vì Mohammad không phải là nhà Tiên tri duy nhất mà là người cuối cùng. Mohammad là một con người nhưng chúng tôi tin là đã được Thánh Allah lựa chọn gửi đến cho con người và các nhà Tiên tri đều mong muốn hòa bình. Kinh Qu’ran là đạo luật sống do Allah đưa xuống, đã trải qua 14 thế kỷ nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, không thay đổi, cùng với Luật Shariat là Hiến pháp của đạo Hồi.
Tiến sĩ cũng cho đoàn hiểu thêm về ăn mặc, sinh hoạt của người Hồi giáo. Theo quan điểm của ông, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng nên mọi người Hồi giáo không phải mặc như nhau, không phải ai cũng để râu dài và Kinh Qu’ran cũng không quy định. Giáo sĩ ở Ả-rập Xê-út mặc khác giáo sĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ và những nơi khác nhưng điều quan trọng là tôn thờ Thánh Allah và tin vào Kinh Qu’ran. Mọi tín đồ đều tin vào Thánh Allah vì những lời được gửi trong bức thư qua Kinh Thánh. Kinh đã có từ lâu đời, nhiều nhà nghiên cứu tìm xem có điểm nào sai nhưng không thấy. Hiện nay có những nhà nước theo Hiến pháp và có nhiều nhà nước theo Kinh Qu’ran.
Theo Bộ Hồi giáo, tín đồ tôn thờ tuyệt đối Thánh Allah từ tâm vì Thánh Allah là vĩ đại nhất, không ai hơn, là người dẫn lối, chỉ đường cho mọi người từ nhỏ đến lớn. Phân biệt trình độ của mọi người khác nhau vì sự tiếp thu lời dạy của Thánh Allah khác nhau nên có Sứ giả tiên tri và có những giáo sĩ để giúp mọi người hiểu được đồng đều và bình đẳng. Để đánh giá xấu, đẹp khác nhau nhưng tuân thủ định hướng của giáo sĩ. Kinh Qu’ran là bản thông điệp của Chúa không bao giờ thay đổi, mọi người phải tin theo. Khi chết, linh hồn vẫn ở đó, có thể được hồi sinh, lên Thiên đàng hay xuống địa ngục. Khi có người mất, những người láng giềng hay bạn bè giúp nấu ăn mang đến nhà.
Cũng như nhiều quốc gia Hồi giáo khác, mọi tín đồ đều tuân thủ đóng tiền vào quỹ Zakat tới hơn 10% (quy định là 2,5%, nếu thu nhập ít quá thì không tính) vì mọi người tin rằng cho người khác bao nhiêu Thánh Allah sẽ cho nhiều hơn nữa, người giàu không phải vì làm ăn giỏi mà do Thánh Allah ban tặng. Người không theo Hồi giáo ở Ả-rập Xê-út cũng phải đóng 2,5% thu nhập (trường hợp này không gọi là Zakat). Tuy nhiên, nếu gia đình nào nghèo, Chính phủ sẽ đưa quỹ Zakat đến.
Quốc Vương có sáng kiến thành lập Trung tâm Đối thoại Quốc gia tại Thủ đô Riyadh. Trong cuộc gặp đoàn, TS. Fahad Sultan Al-Sultan, Phó Tổng Thư ký Trung tâm cho biết: Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức các cuộc hội thảo, phỏng vấn,…có các nhà nghiên cứu, chức sắc đến dự. Các chủ đề được chuyển đến các cơ quan liên quan xem xét và trình lên Quốc Vương, sau khi được lựa chọn sẽ đưa lên Đài Truyền hình. Được thành lập từ năm 2003, đến nay đã có hơn 150.000 người Ả-rập được học hỏi qua hệ thống này, tập trung vào chủ đề gia đình, giới trẻ, sinh viên,…Trung tâm đã tổ chức 8 cuộc hội thảo quốc gia với những chủ đề khác nhau như: Chủ nghĩa cực đoan, Phụ nữ, Giáo dục, Y tế,…Đây là nơi để mọi người quan tâm và đến chia sẻ, góp phần làm cho người dân có nhiều tiếng nói trong thế giới Ả-rập. Trung tâm hướng tới khuyến khích tư tưởng, văn hóa khoan dung giữa con người…nhằm phục vụ cho việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Khuyến khích tìm hiểu, nghiên cứu trong Hồi giáo về hành vi, ứng xử. Mong muốn thông qua đối thoại giữa các nền văn minh, tôn giáo sẽ đóng góp vào xây dựng nền hòa bình thế giới. Trung tâm có 45 nhân viên nhưng có nhiều cộng tác viên là học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo và có đội ngũ tình nguyện viên đông đảo là sinh viên. Nguồn tài chính do sự đóng góp của các nhà hảo tâm nên không phụ thuộc vào Chính phủ, Quốc Vương chỉ cung cấp một ít.
Trong những ngày ở thăm Ả-rập Xê-út, đoàn đã hiểu ra được nhiều điều mà trước đây chỉ được biết đến thông qua sách báo và các phương tiện truyền thông khác. Xin ghi lại đôi điều tản mạn để bạn đọc tham khảo và rất mong nhận được ý kiến bổ sung nhằm cùng nhau hiểu hơn về thế giới Hồi giáo nói chung và Vương quốc Ả-rập Xê-út nói riêng./.
Theo Ban tôn giáo chính phủ