HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ (31-5) VÀ TUẦN LỄ QUỐC GIA KHÔNG THUỐC LÁ (từ 25-5 đến 31-5)

Đăng lúc: 16:41:53 29/05/2021 (GMT+7)

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: “Thời điểm đại dịch đang diễn biến phức tạp chính là thời gian phù hợp nhất để người hút thuốc quyết tâm bỏ thuốc lá”.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” dành cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5). Thông qua đây, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của WHO.

2019-khau-hieu-dung-tan-pha-la-phoi-1.jpg

Thời gian qua, Việt Nam thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố cho thấy, so với năm 2015 tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

            Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc khi mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn. Những người hút thuốc khi nhiễm COVID-19 có nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt, thở máy hoặc tử vong cao gấp 2,4 lần bình thường. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế): "Từ bỏ thuốc lá có lợi ích không chỉ với sức khỏe của phổi mà còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19".

20190529_113804_159827_ung-thu-phoi_max-800x800.png

               Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng lưu ý, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh COVID-19 từ tay lên miệng. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như: thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền virus trong cộng đồng.

                Các liệu pháp thay thế nicotin, như kẹo cao su và miếng dán được thiết kế để giúp người hút thuốc bỏ thuốc lá. WHO khuyến cáo người hút thuốc nên bắt đầu thực hiện ngay các bước để bỏ thuốc bằng cách sử dụng các phương pháp đã được chứng minh, như tư vấn bỏ thuốc qua số điện thoại miễn phí (ở Việt Nam là số 18006606), chương trình nhắn tin giúp bỏ thuốc qua điện thoại di động và liệu pháp thay thế nicotin.

          Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: “Thời điểm đại dịch đang diễn biến phức tạp chính là thời gian phù hợp nhất để người hút thuốc quyết tâm bỏ thuốc lá”.