Người Việt vừa làm vừa chơi!
Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn một nửa so với bình quân chung của khu vực Đông Nam Á, chỉ cao hơn Campuchia, Myanmar và ngang với Lào
Hiện nay, lợi thế nhân công rẻ không còn là yếu tố đem lại khả năng cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vì năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam được đánh giá là rất thấp so với khu vực.
Doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn
Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo cho thấy NSLĐ của Việt Nam thấp hơn một nửa so với NSLĐ bình quân chung của khu vực, chỉ cao hơn Campuchia, Myanmar và ngang với Lào.
Còn theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), NSLĐ của Việt Nam năm 2013 quy đổi theo sức mua tương đương năm 2005 thì đạt 5.440 USD/lao động. Con số này chỉ bằng 1/18 NSLĐ của Singapore, bằng 1/6 so với Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc.
TS Đặng Thị Thu Hoài, Phó trưởng Ban Chính sách dịch vụ công CIEM, nhận định đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, tăng NSLĐ là con đường thuận lợi để thu hẹp khoảng cách đối với các nước phát triển. Đáng lưu ý, việc tăng mức sống chỉ có thể phụ thuộc vào tăng NSLĐ.
Tuy nhiên, tăng NSLĐ đang là vấn đề nan giải vì theo các chuyên gia, NSLĐ Việt Nam thấp do hệ quả của nền kinh tế quy mô nhỏ lẻ, 60% lực lượng lao động làm việc ở những doanh nghiệp (DN) có quy mô siêu nhỏ và khu vực kinh tế phi chính thức. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước thu hút 84,6% lao động nhưng NSLĐ chỉ bằng hơn 50% so với NSLĐ chung của cả nước. Nếu so với NSLĐ của khu vực DN FDI thì chỉ bằng 11%.
Tại hội thảo Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với ILO tổ chức mới đây, bà Nicola Connolly, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, phàn nàn lao động Việt Nam quá thiếu các kỹ năng mềm phục vụ công việc, hầu hết các doanh nghiệp châu Âu phải đào tạo lại trước khi sử dụng.
Nền giáo dục cần thay đổi mạnh mẽ
Theo TS Đặng Thị Thu Hoài, khi các DN nước ngoài kêu ca lao động Việt Nam thiếu kỹ năng mềm thì chắc chắn nền giáo dục - đào tạo đang có khiếm khuyết, cần thay đổi mạnh mẽ mới đáp ứng được yêu cầu. Số liệu của Tổng cục Dạy nghề cho thấy 53% học sinh học nghề sau khi ra trường vẫn yếu về năng lực phân tích, giải quyết vấn đề; 26,5% yếu về năng lực làm việc độc lập và 60% sinh viên tốt nghiệp phải đào tạo lại.
Còn PGS-TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết sinh viên tốt nghiệp ĐH quá thiếu các kỹ năng về lãnh đạo, tư duy sáng tạo, thái độ làm việc, giải quyết vấn đề.
Trong 5 năm qua, cơ cấu lao động chuyển dịch rất chậm chạp. Lao động ở khu vực năng suất thấp vẫn chiếm số lượng lớn đã khiến NSLĐ chung của Việt Nam thấp và có nguy cơ tụt hậu. Ngành nông nghiệp chiếm đến 47% cơ cấu lao động nhưng chỉ đóng góp được 17,57% GDP cho nền kinh tế; NSLĐ của ngành chỉ bằng 1/4,5 năng suất ngành công nghiệp và bằng 1/3,4 năng suất ngành dịch vụ.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nhấn mạnh cơ quan này đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về NSLĐ thấp của Việt Nam. “NSLĐ phải là động lực phát triển. Chúng ta cần nỗ lực rất lớn, tăng NSLĐ là tăng khả năng cạnh tranh nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế” - ông Cung nói.
Lương - NSLĐ: Con gà và quả trứng
Tăng NSLĐ là vấn đề rất cần thiết nhưng thực hiện bằng cách nào thì còn nhiều chuyện phải bàn.
Các chuyên gia về tiền lương của ILO khẳng định lương tối thiểu đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy tăng NSLĐ. Nghiên cứu mới nhất cho thấy tăng tiền lương sẽ tạo động lực khiến người sử dụng lao động tìm cách tăng NSLĐ thông qua đầu tư kỹ thuật để làm việc hiệu quả hơn.
Theo ông Malte Luebke, chuyên gia cao cấp về tiền lương của Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không chỉ mức lương tối thiểu thấp, mức lương bình quân của Việt Nam năm 2012 chỉ đạt 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD) và chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD). Mức lương này thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, mức lương bình quân của Thái Lan là 357 USD, cao gấp gần 2 lần; Malaysia 609 USD, cao gấp 3,3 lần; Singapore 3.547 USD, cao gấp 19,6 lần Việt Nam.
Một trong những yếu tố để tăng lương là cần phải tăng NSLĐ. Muốn tăng NSLĐ cần phải chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển đổi từ nền kinh tế có tiền lương thấp sang nền kinh tế có NSLĐ cao. “NSLĐ chủ yếu do cơ cấu kinh tế thúc đẩy. Nó không cho thấy người dân của quốc gia đó chăm chỉ ra sao” - ông Malte Luebke nói.
Trong khi đó, Trưởng Ban Chính sách pháp luật - Thi đua khen thưởng - Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Quang Điều, lại cho rằng khi nào tiền lương bảo đảm mức sống tối thiểu thì mới bàn đến vấn đề NSLĐ.
“Đầu tiên phải cho người lao động ăn đủ năng lượng để làm việc, sau đó mới yêu cầu làm việc năng suất cao. Công đoàn rất mong muốn điều chỉnh tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu. Khi nào bằng thì lúc đó chúng ta bàn bạc đến vấn đề NSLĐ” - ông Điều nói.
TS Thu Hoài nhấn mạnh tăng NSLĐ là mục tiêu duy nhất để nâng cao mức sống cho người dân. Để thực hiện được điều này, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ mô hình chỉ dựa vào vốn và nhân lực chuyển sang mô hình đổi mới công nghệ, nâng cao kỹ năng của người lao động. Nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực; sử dụng đúng người đúng việc đóng vai trò quan trọng trong tăng NSLĐ.
“Dù chúng ta có vốn nhiều, sử dụng máy móc hiện đại nhưng người lao động có trình độ chưa phù hợp thì NSLĐ cũng không thể nâng cao lên được” - bà Hoài nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cảnh báo nếu không cải thiện NSLĐ, Việt Nam có thể tụt hậu về hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, khó thu hút vốn FDI. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ không đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúng ta còn quá nặng nề và coi trọng chuyện bằng cấp. Nhiều thứ doanh nghiệp cần thì không đào tạo. Cần phải thiết kế lại đào tạo nghề, chứ bây giờ đào tạo còn nặng về hành chính lắm, chưa gắn với nhu cầu”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM:
Hình thành một xã hội sáng tạo
Nhiều ngành, nghề và nhiều ý tưởng của người dân, DN nếu cơ quan quản lý không quản được thì bị cấm ngay. Muốn tăng NSLĐ đòi hỏi phải hình thành một xã hội sáng tạo. Mọi sáng kiến dù là nhỏ nhất cũng cần được xã hội nuôi dưỡng và trân trọng mới có nền tảng để tăng NSLĐ. Không thể chần chừ và rơi mãi vào vòng luẩn quẩn này được nữa!
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam:
Đầu tư cho công nghệ
Để tăng NSLĐ cần phải thông qua các giải pháp về công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ quản lý trong DN. Ngoài các chế độ đãi ngộ về lương bổng thì người lao động Việt Nam cần được khuyến khích đưa ra những ý tưởng sáng tạo trong DN để nâng cao NSLĐ.
Bà Sandra Polaski, Phó tổng Giám đốc ILO:
Lương tăng song hành năng suất
Không chỉ đơn giản là yêu cầu người lao động làm việc chăm chỉ. Lương cần phải tăng cùng với tăng năng suất. Việc xác lập tiền lương cần dựa trên nhu cầu của người lao động cũng như nhu cầu của DN và thị trường lao động nói chung để cân bằng lợi ích giữa người lao động và DN.
Văn Duẩn - Tô Hà