Khi công nhân không đóng BHXH bị TNLĐ- Bài 1
Đăng lúc: 15:13:43 21/05/2015 (GMT+7)
Gia cảnh khốn khó của anh CN bốc xếp
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 11,6 triệu lao động đang tham gia BHXH. Tuy nhiên, còn rất nhiều NLĐ không được chủ SDLĐ tham gia BHXH. Khi xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ), họ không được hưởng chế độ theo quy định, khiến cuộc sống rất khó khăn. PV Báo BHXH đã tìm hiểu và ghi nhận nhiều trường hợp như vậy…
Khi chúng tôi đến thăm anh Trần Văn Chiến (sinh 1967; ngụ tại ấp 1, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM) từng nhiều năm làm công nhân bốc xếp tại Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất, anh vẫn còn lơ ngơ như người mất hồn. Đó là di chứng để lại sau lần anh bị TNLĐ trong khi làm việc. Đáng nói, do chỉ được Công ty ký HĐLĐ thời vụ 3 tháng, không được tham gia BHXH, BHYT nên anh không được hưởng một chế độ nào theo Luật BHXH.
Tai nạn bất ngờ
Trong căn nhà nhỏ siêu vẹo nằm sâu trong khu dân cư tự phát, cả gia đình 4 người gồm anh Chiến, vợ là chị Nguyễn Thị Loan cùng 2 con nhỏ đang có cuộc sống hết sức bấp bênh. Gặp chúng tôi anh Chiến vẫn lơ ngơ như người mất hồn vì di chứng sau vụ TNLĐ.
Gia đình anh Chiến, chị Loan càng thêm khó sau khi anh Chiến bị TNLĐ
Chị Loan kể, anh Chiến vào làm tại Công ty Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất từ năm 2005, đến ngày 23/11/2012, khi đang xếp dỡ hàng hóa thì bị TNLĐ. Anh được các đồng nghiệp đưa vào BV quận Tân Phú, được các bác sĩ chẩn đoán giập não, xuất huyết não. Sau đó, anh tiếp tục được đưa vào BV Chợ Rẫy mổ và điều trị. Đến nay, anh đã mổ 3 lần và nhiều lần tái khám với chi phí hàng trăm triệu đồng.
Là lao động chính trong nhà, giờ rơi vào tình cảnh này, cuộc sống gia đình anh Chiến càng thêm khổ. Vợ anh đang làm công nhân da giày phải nghỉ việc chăm chồng. Sau đó phải đi làm "ô sin" tại quận Phú Nhuận. Con gái lớn của anh đang học cấp 3 cũng phải nghỉ để đi làm.
Giá như Công ty đóng BHXH
Từ một người đàn ông khỏe mạnh là trụ cột của gia đình, sau vụ tai nạn, giờ trông anh Chiến thật tiều tụy. Anh kể, suốt từ năm 2005 đến khi bị tai nạn, dù làm việc liên tục, nhưng anh không được Công ty ký HĐLĐ dài hạn, mà chỉ được ký các hợp đồng thời vụ 3 tháng. Công ty cũng không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho anh. Vì vậy, khi xảy ra tai nạn, mình anh phải gánh hậu quả.
Được biết, ngay sau khi xảy ra TNLĐ, Công ty mới chỉ khắc phục một phần trách nhiệm với NLĐ bằng cách chi trả 50 triệu đồng tiền viện phí. Sau đó, anh Chiến cho biết Công ty cũng đã thương lượng và chi thêm cho anh một đợt hơn 50 triệu đồng nữa để lo chi phí điều trị. Tuy nhiên, còn hàng loạt chi phí, các khoản trợ cấp khác theo chế độ BHXH mà đáng ra anh Chiến được hưởng khi bị TNLĐ thì Công ty không chịu trách nhiệm(!).
Theo phân tích của ông Nguyễn Trọng Nam- Trưởng phòng Kiểm tra (BHXH TP.HCM), đối chiếu với các quy định pháp luật, vụ việc này xảy ra năm 2012 nên sẽ áp dụng Bộ luật Lao động năm 1994 (được sửa đổi, bổ sung năm các năm 2002, 2006) để giải quyết. Về trách nhiệm của DN khi xảy ra TNLĐ, tại khoản 2, Điều 107 Bộ luật Lao động đã quy định: Người SDLĐ phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị TNLĐ hoặc BNN. NLĐ được hưởng chế độ BHXH về TNLĐ, BNN. Nếu DN chưa tham gia BHXH bắt buộc, thì người SDLĐ phải trả cho NLĐ một khoản tiền ngang với mức quy định của pháp luật về BHXH.
Về điều kiện hưởng chế độ, theo quy định tại các Điều 42 và 43 Luật BHXH về trường hợp NLĐ được tham gia BHXH khi bị TNLĐ thì: NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% được hưởng trợ cấp một lần. Nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong đó, mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung; Ngoài mức trợ cấp quy định tại Điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH, từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Như vậy, chỉ vì Công ty không đóng BHXH mà khi bị TNLĐ, anh Chiến ngoài việc gánh chịu thương tật suốt đời còn phải bỏ tiền túi lo điều trị bệnh tật.
(Theo baobaohiemxahoi.vn)