Khi công nhân không đóng BHXH bị TNLĐ- Bài 2

Đăng lúc: 15:18:45 21/05/2015 (GMT+7)

Hoàn cảnh đáng thương của người thợ hồ 
Từ một người khỏe mạnh, anh thợ hồ Lê Văn Đẩu bất ngờ bị TNLĐ. Chủ DN đã không tham gia BHXH lại còn tìm cách “né” trách nhiệm. Không có tiền lo viện phí phải đưa về quê, bị liệt hai chân, mọi sinh hoạt phải nhờ người hỗ trợ, vợ quá chán bỏ nhà đi…, cuộc đời anh như đi vào ngõ cụt!
Nỗi đau chất chồng
Một ngày đầu hè oi ả, chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Văn Đẩu (sinh năm 1990, ở ấp 2, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).
Biết chúng tôi làm ở ngành BHXH, ông Lê Văn Bung (bố đẻ anh Đẩu) than thở: Bây giờ cháu chẳng làm được gì nữa rồi, phải sống nhờ vào sự chăm sóc của vợ chồng già chúng tôi, chế độ TNLĐ gì cũng không có vì trước đây công ty không đóng BHXH. Ông Bung kể: "Ngày 8/6/2012, trong khi đang làm việc tại một công trình xây dựng cao ốc ở TP.HCM, con tôi bị té ngã dẫn đến đa chấn thương, BV kết luận tạm thời là: Dập bàng quang, gãy nát các đốt xương sống D12, L1, L2, đứt một phần tủy sống, dập phổi, tràn khí màng phổi, bí tiểu…".
Tai nạn ập đến khiến gia đình anh Đẩu lâm vào cảnh khó khăn
Sau khi xảy ra tai nạn, đơn vị nơi con tôi làm việc là Công ty TNHH Xây dựng MK chỉ thanh toán một phần viện phí… Do gia đình không có tiền tiếp tục lo viện phí, nên ông Bung đành đưa con trai về quê nhà ở tỉnh Long An. Tuy nhiên bệnh tình anh Đẩu càng trở nên nghiêm trọng hơn: Bị liệt hai chân, không còn cảm giác, tiểu tiện phải thông qua ống đặt túi nước tiểu, phần mông bị sưng tấy, thân thể teo hóp, ăn uống khó khăn… Trước tình cảnh ấy, cô vợ trẻ của Đẩu đã bỏ nhà đi, để lại đứa con mới 3 tuổi.
“Cả gia đình cùng làm phụ hồ trong công trường, nhưng từ ngày con trai bị tai nạn, vợ tôi phải ở nhà trông đứa cháu nội và con trai. Giờ chỉ có mình tôi đi làm, vừa lo tiền thuốc men, vừa lo ăn uống cho cả nhà…”- ông Bung tâm sự.
Gian nan quy trình bồi thường…
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp- Phó Chánh thanh tra lao động TP.HCM, nếu trường hợp này NLĐ được Công ty tham gia đóng BHXH thì trình tự giải quyết chế độ TNLĐ hết sức đơn giản lại đảm bảo quyền lợi.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Bung cho biết, anh Đẩu bị TNLĐ nhưng chủ DN lại né tránh bồi thường vì NLĐ không được ký HĐLĐ. Sau đó anh Đẩu được đưa đến Trung tâm Giám định pháp y địa phương để giám định. Có kết quả nhưng Công an lại từ chối cung cấp kết quả giám định mà chỉ thông báo miệng rằng kết quả mức độ tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên là 92%(?). Khi bệnh tình trầm trọng hơn, anh Đẩu phải tái nhập viện. Rất may BV thương tình cho “nợ” tiền viện phí và giới thiệu đến hội từ thiện để giúp đỡ viện phí.
Sau đó anh Đẩu đã ký đơn khởi kiện Công ty MK và ngày 27/3/2013 Tòa án quận Tân Bình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo qui định tại khoản 4 Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự về việc buộc Công ty MK tạm ứng một phần tiền bồi thường để có chi phí điều trị cho NLĐ. Với số tiền trên, anh Đẩu đã đóng tiền viện phí tiếp tục điều trị và tạm thoát qua khỏi cơn hiểm nghèo để được sống và mua 1 chiếc xe lăn…
Trao đổi với chúng tôi, thẩm phán Võ Văn Đức không khỏi xúc động. Ông cho biết, ông đã xử rất nhiều vụ công nhân bị TNLĐ nhưng chưa vụ nào đáng thương như vụ này. “Vụ này tôi đã phải tổ chức nhiều buổi hòa giải giữa hai bên, rồi vận động Công ty MK giải quyết thấu đáo vụ việc. Cuối cùng sau rất nhiều lần thì Công ty đã chấp nhận bồi thường cho anh Đẩu 250 triệu đồng để giải quyết hậu quả của vụ TNLĐ”.
(Theo baobaohiemxahoi.vn)