Khi công nhân không đóng BHXH bị TNLĐ- Bài 3

Đăng lúc: 15:23:06 21/05/2015 (GMT+7)

 Cả doanh nghiệp, công nhân đều khổ!
NLĐ làm đơn tố cáo Công ty không ký HĐLĐ, không tuân thủ quy định đóng BHXH nên khi bị TNLĐ đã không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. Công ty lại đổ lỗi “do trước đó NLĐ không “thích” đóng BHXH” nên giờ cả DN lẫn NLĐ đều… khổ. Vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại Hồng Tiến Phát (KCN Tân Tạo, TP.HCM) cho thấy một bài học về việc tuân thủ pháp luật BHXH.
Giá như…
Anh Nguyễn Văn Giác bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH SX-TM Hồng Tiến Phát (chuyên sản xuất vải dệt kim, sản xuất sợi, may trang phục…) từ ngày 20/12/2013. Sau khi thỏa thuận vào làm việc, anh Giác được phân công công việc điều khiển máy sấy vải.
Anh Giác đang nằm điều trị ở bệnh viện
Ngày 6/6/2014, trong lúc đang làm việc, anh bị máy sấy vải cuốn vào người và bị cụt tay trái. Sau khi vụ việc xảy ra, anh Giác đi giám định thương tật và được Hội đồng giám định Y khoa TP.HCM xác định anh bị “tỉ lệ tổn thương cơ thể do tai nạn lao động là 55%”; đồng thời đề nghị cho hưởng chế độ BHXH theo quy định hiện hành.
Thế nhưng, do Công ty Hồng Tiến Phát không ký HĐLĐ và đóng BHXH nên anh Giác không được hưởng các chế độ, quyền lợi về BHXH.
Để đảm bảo quyền lợi bản thân, anh Giác đã liên hệ và đề nghị cơ quan BHXH TP.HCM trả lời thắc mắc những nội dung liên quan đến chế độ để có cơ sở làm việc với Công ty. Anh Giác đặt vấn đề: “Giả sử Công ty thực hiện đúng quy định pháp luật, có tham gia BHXH cho tôi, thì khi xảy ra TNLĐ như vậy cơ quan BHXH sẽ chi trả quyền lợi cho NLĐ như thế nào? Căn cứ điều khoản pháp luật nào? Biết rằng, lương của tháng liền kề trước khi bị TNLĐ là 3.034.000 đồng. Mức suy giảm khả năng lao động là 55%”…
Cả NLĐ và DN đều khổ
Ông Nguyễn Đăng Tiến- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 145, Bộ luật Lao động năm 2012, trường hợp NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH mà người SDLĐ chưa đóng cho cơ quan BHXH thì người SDLĐ phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ TNLĐ, BNN theo Luật BHXH. Ngoài ra theo Điều 43, Luật BHXH hiện hành, NLĐ có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên sẽ được hưởng trợ cấp TNLĐ hằng tháng.
Khoản 3, Điều 144, Bộ luật Lao động 2012 cũng quy định rõ trách nhiệm của người SDLĐ đối với người bị TNLĐ là: Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với NLĐ tham gia BHYT và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với NLĐ không tham gia BHYT. Trả đủ tiền lương theo HĐLĐ cho NLĐ bị TNLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị. Bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ theo quy định tại Điều 145…
Đối chiếu với trường hợp của công nhân Giác bị suy giảm khả năng lao động là 55% và lương của tháng liền kề trước khi bị TNLĐ là 3.034.000 đồng, theo Khoản 3, Phần III, Mục B, Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH, tính ra mức trợ cấp hằng tháng anh Giác được lĩnh là 912.170 đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga- Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH TP.HCM) giải thích thêm: Theo quy định, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung. Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung. Ngoài ra, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH.
Câu chuyện sẽ được giải quyết đơn giản theo quy định của Luật BHXH nếu cả NLĐ và DN tuân thủ đúng quy định đóng BHXH, BHYT. Tuy nhiên, chỉ vì NLĐ không được đóng BHXH nên Công ty Hồng Tiến Phát và công nhân Nguyễn Văn Giác phải tự thương lượng.
Sau nhiều lần đàm phán, cuối cùng 2 bên đã thỏa thuận: Công ty cam kết trả các chi phí chữa trị, gắn tay giả và bồi thường cho anh Giác tổng cộng 160 triệu đồng. Tại buổi thương lượng gia đình anh Giác dù nhận số tiền bồi thường vẫn băn khoăn khi chưa biết rồi đây sẽ ra sao khi tiêu hết số tiền.
Còn ông Phạm Thanh Tùng- Giám đốc Công ty Hồng Tiến Phát ngậm ngùi mà rằng: Lỗi một phần do công nhân Giác không “thích” đóng BHXH nhưng cũng là bài học cho Công ty. Vì nếu đóng BHXH thì khi xảy ra TNLĐ bất ngờ, cả DN và NLĐ đều không phải khổ
(Theo baobaohiemxahoi.vn)